Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu của danh y Lê Hữu Trác, một bậc thiên tài kiệt xuất của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Ông tinh thông y học, dịch lý và văn chương.
Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn có tên khác là Lê Hữu Huân ( 1720 – 1791). Ông người thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Gia đình Lê Hữu Trác vốn là một danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Ông nội, các chú các bác đều đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều. Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực dưới thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh loạn lạc, đói rét, bệnh tật. Năm 1746 ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và theo đuổi chí hướng mới.
Chuyến đi đến Hương sơn chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Lê Hữu Trác về nghề thuốc Y học cổ truyền.
Cơ duyên với nghề thuốc Y học cổ truyền
Sau khi về Hương Sơn, ông đã bị ốm nặng trong nhiều năm liền, tìm không biết bao nhiều thầy để chữa trị mà vẫn không khỏi. Cuối cùng Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tên là Trần Độc. Đây là vị thầy thuốc rất được nhân dân trong vùng tín nhiệm. Sau một năm chữa trị ở nhà thầy thuốc Trần Độc, Lê Hữu Trác đã được chữa khỏi hẳn bệnh.
Trong quá trình chữa trị bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc và thông hiều được phần lớn nội dung. Sau khi nhận thấy được khả năng của ông, Trần Độc có ý muốn truyền đạt nghề của mình.
Lúc ông vào tuổi 30, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới vời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ và sau đó ông mới quyết chí học nghề thuốc. Lê Hữu Trác viết: “… Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được.”
Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Tại đây ông ngày đêm miệt mài tìm đọc các sách về thuốc, tiếc từng giây, từng phút. Sau đó Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Hải Thượng Lãn Ông được dịch nghĩa là “ông già lười ở Hải Thượng”. Một số người xưa cho rằng Hải Thượng Lãn Ông với chữ Hải Thượng được ghép từ chữ đầu trong tên trấn (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) còn lãn ông ngụ ý không màn công danh phú quý, tự do theo đuổi sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Với kiến thức rộng, chuẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi Hải Thượng Lãn Ông vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, ra tới tận Kinh thành Thăng Long.
Những cống hiến quý giá đối với y học cổ truyền dân tộc
Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” bao gồm 28 tập, 66 quyển.
Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh biên soạn công phu trong gần 10 năm trời, bắt đầu vào lúc ông đã 40 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông tròn 50 tuổi (1770). Nội dung đúc kết hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.
Chuyên mục tin tức y dược – trường cao đẳng y dược Pasteur