Trang chủ / Tin tức Y Dược /   Công dụng của Củ dòm đối với sức khoẻ

  Công dụng của Củ dòm đối với sức khoẻ

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Củ dòm là loại dược liệu được dùng trong các bài thuốc Y Học Cổ Truyền có tác dụng để điều trị nhức mỏi, phong tê thấp, đau bụng, ung nhọt cứng, đau dạ dày, lỵ ra máu,…Hãy cùng tìm hiểu những công dụng của dược liệu này nhé.!

  1. Củ dòm là gì?

 

Củ dòm có nhiều công dụng cho sức khoẻ

Củ dòm có tên gọi khác là Củ gà ấp, Phấn phòng kỷ, Hán phòng kỷ, Phòng kỷ, Thạch thiềm thừ. Tên khoa học là Stephania Tetrandra S Moore, thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.

Củ dòm là cây dạng dây leo, sống nhiều năm, có phần rễ củ nằm ngang, mọc thầm ở dưới mặt đất. Củ thon, dài hơn củ bình vôi, có hình dáng giống như tư thế gà mái đang ấp trứng nên còn được gọi là Củ gà ấp. Khi cắt ngang, thân củ có màu vàng rõ rệt, ít xơ, đường kính có thể lên đến 6 cm.

Lá mọc so le, có hình khiên, dài khoảng 4 – 6 cm, rộng 4.5 – 6 cm. Gốc lá hình tim, mép lá nguyên, đầu lá nhọn, hai mặt đều có lông mềm mại. Toàn bộ mặt trên lá đều có có màu xanh lục, mặt dưới có màu xám tro, gốc lá có 5 gân.

Hoa nhỏ, mọc thành tán đơn, khác gốc, hoa đực thường có 4 lá đài, 4 cánh hoa, 4 nhị. Hoa cái có một lá noãn và có bao hoa nhỏ. Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, khi chín có màu đỏ mộng. Củ dom ra hoa vào tháng 5- 6 và kết quả vào tháng 7 – 9.

Bộ phận sử dụng làm thuốc của củ dom là rễ cái. Rễ vàng, chắc, có vân ngang được xem là dược liệu chất lượng tốt. Thu hái Củ dòm vào tháng 9 – 10. Khi thu hái cần đào kỹ rễ, tránh gây tổn thương phần rễ. Sau khi thu hái, mang về cắt bỏ phần rễ con, có khi cạo bỏ lớp vỏ ngoài, bổ dọc, phơi khô, lại cắt thành từng đoạn khoảng 5 – 10 cm, bảo quản dùng dần, để nơi cao ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao và trực tiếp.

Thành phần hóa học trong Củ dòm bao gồm Alcaloid Tetrandrine, Cyclanoline, Fenchinoline, Dimetyl Tetradrine, Berbamine, Cyclanoline, Tetradine, Menisidine, Fanchinine, Menisine, Fangchinoline, Demethyltetradine

Vị thuốc rễ Củ dòm

  1. Công dụng của dược liệu Củ dòm đối với sức khoẻ

Theo y học cổ truyền

Củ dòm có tính hàn, vị cay, đắng. Được quy vào kinh Tỳ, Thận, Can, Bàng quang. Củ dòm có công dụng trừ phong, giảm sưng, giảm đau, lợi thủy, phong thủy cước khí. Được sử dụng trong đông y chữa hàn thấp ứ trệ, phù do tỳ hư, phù do có biểu hiện nhiệt, phong thấp, phù thũng, kiết lỵ, đại tiện ra máu, đau bụng kinh niên, đau dạ dày, nhọt lở, khớp xương sưng nhức, đau đầu, đau lưng, đau bụng, sốt rét.

Liều dùng mỗi ngày là 6 – 10 g, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột, có thể dùng độc vị hoặc dùng phối với các vị thuốc khác. Dùng ngoài da trị rắn cắn, mụn nhọt, cụm nhọt: 5 – 15 g.

Theo Y học hiện đại

Tác dụng trên tim mạch

Chiết xuất của Củ dòm có tác dụng hạ huyết áp nhanh, làm lượng tiêu hao oxy ở tim, làm giãn mạch vành, tăng lượng máu đến mạch vành, chống rối loạn nhịp tim.

Tác dụng chống viêm, giảm đau

Các chất alkaloid trong chiết xuất Củ dòm có đặc tính chống viêm do lipopolysacarit (LPS) gây ra trong tế bào RAW264.7, thông qua việc ức chế giải phóng oxit nitric, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α và Interleukin (IL)-6. Ngoài ra, Củ dòm còn hỗ trợ chống dị ứng, giải nhiệt, chống choáng quá mẫn.

Tetrandrine có tác dụng giảm đau với cơ chế là chất trung gian ức chế quá trình phosphoryl hóa kappa B kinaseβ (IKKβ).

Tác dụng kháng khuẩn

Hoạt chất Tetrandrine là một alkaloid bisben tetrahydroisoquinoline có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp và hiệp đồng chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút và nấm, ức chế trực khuẩn lị Shigella.

Tác dụng trên hệ thần kinh

Các chất Tetrandrine và fangchinoline trong Củ dòm có tác dụng bảo vệ thần kinh, bảo vệ chống lại sự thoái hóa thần kinh xảy ra trong bệnh Alzheimer và Parkinson. Reticuline trong Củ dòm có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương mạnh mẽ, giúp ngủ ngon.

Tác dụng chống ung thư

Các alkaloid trong chiết xuất Củ dòm có tác dụng chống ung thư và chống tăng sinh trong các tế bào khối u ác tính khác nhau.

Tetrandrine có tác dụng chống nhiều loại tế bào ung thư bao gồm ung thư gan, ung thư xương, ung thư miệng, ung thư biểu mô, ung thư biểu mô túi mật, ung thư tuyến giáp, ung thư biểu mô tuyến tiền liệt, ung thư thực quản, ung thư biểu mô ruột kết, ung thư dạ dày, ung thư não, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư biểu mô vòm họng, bệnh bạch cầu megakaryoblastic cấp tính, ung thư cổ tử cung và ung thư biểu mô thận tế bào.

Tác dụng điều hòa miễn dịch

Các chất tetrandrine và fangchinoline trong Củ dòm, có tác dụng điều hoà miễn dịch, được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ hệ thống, thải ghép.

  1. Bài thuốc chữa bệnh kinh nghiệm từ Củ dom

Bài thuốc chữa viêm khớp, viêm đa khớp, khớp xương sưng đau

Cách thực hiện: Sử dụng Phấn phòng kỷ, Tằm sa, mỗi vị đều 10 g, Uy linh tiên 12 g, Kê huyết đằng 15 g, sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc chữa bí tiểu, phù thũng

Cách thực hiện: Phòng kỷ 10g, Bạch truật 10g, Cam thảo (nướng) 5 g, Hoàng kỳ (sống) 16 g. Đem các vị thuốc sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc chữa huyết áp cao

Cách thực hiện:  Hán phòng kỷ tiêm vào tĩnh mạch, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 120 – 180 mg.

Bài thuốc trị đau dây thần kinh

Cách thực hiện: Phấn phòng kỷ 23 g, Diphenhydraninum 25 mg, chia thành 2 – 3 lần, dùng uống trong ngày.

  1. Lưu ý khi dùng vị thuốc Củ dòm

Củ dòm là dược liệu có tính hàn, vị đắng, dễ gây tổn thương tỳ vị. Do đó, không được sử dụng vị thuốc Củ dòm cho người âm khí hư, tỳ vị vốn hư, không có chứng thấp nhiệt.

Không nên dùng vị thuốc Củ dòm cho người âm khí hư, người không có nhiệt.

Cần thận trọng khi sử dụng vị thuốc Củ dòm vì có thể gây độc gan, hại thận, hư tuyến thượng thận.

Tóm lại, Củ dòm là vị thuốc được sứ dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền với tác dụng trừ phong thấp, tiểu thũng, chỉ thống. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể trước khi dùng vị thuốc củ dòm trong phòng và chữa bệnh.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP Hồ Chí Minh

Địa Chỉ : 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Tư vấn: 028.6295.6295 - 09.6295.6295

Địa chỉ : 913/3 Quốc Lộ 1A, P . An Lạc, Quận Bình Tân - Tp.HCM.
Tư vấn: 0799.913.913 - 0788.913.913

 

Kiểm tra

TÁC DỤNG CỦA HORMON PROGESTERON

Hormon progesteron là một trong những hormon quan trọng nhất đối với hệ sinh sản …