Từ ngày 15/01/2019, Nghị định 161 về tuyển dụng công chức, viên chức của Chính phủ ban hành vào ngày 29/11/2018 chính thức có hiệu lực.
- Thời gian thi THPT quốc gia năm 2019 vào những ngày nào?
- Cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp THPT
- Điểm chuẩn vào các trường quân đội năm 2019 được xác định như thế nào?
Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức được chính phủ ban hành vào ngày 29/11/2018 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.
Dưới đây, Ban tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đã cập nhật và tổng hợp những điểm mới, đáng chú ý nhất của Nghị định này.
Không phân biệt văn bằng khi tuyển dụng công chức, viên chức
Điều 4 của Nghị định 24/2010/NĐ-CP về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và Điều 4 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức đã được Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi theo hướng:
Các cơ quan sử dụng công chức, viên chức được xác định điều kiện tuyển dụng các công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, tuy nhiên không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Quy định nêu trên được hiểu là sẽ không còn sự phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức, văn bằng 2, bằng đào tạo từ xa… khi tuyển dụng công chức, viên chức.
Quy định “chặt” về điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức
Theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP, một số đối tượng thi tuyển công chức, viên chức không còn được hưởng nhiều điểm ưu tiên như trước đây.
Cụ thể, nếu như trước đây, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Anh hùng Lao động… được cộng 30 điểm vào điểm thi tuyển hoặc xét tuyển thì nay, chỉ còn được cộng 7,5 điểm vào kết quả thi vòng 2.
Tương tự, người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp, con thương binh, liệt sĩ… cũng chỉ còn được cộng 5 điểm vào kết quả thi vòng 2, thay vì 20 điểm vào tổng điểm.
Thay đổi cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức
Khác với trước đây, Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức sẽ diễn ra trong 02 vòng.
Thi tuyển công chức, viên chức:
– Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học;
– Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết.
Xét tuyển công chức, viên chức:
– Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại Phiếu đăng ký dự tuyển;
– Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.
Thêm điều kiện với người được miễn tập sự
Trước đây, Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định không thực hiện chế độ tập sự với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự.
Nay, Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định ngoài điều kiện nêu trên, người được miễn tập sự còn phải được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đã đảm nhiệm.
Được ký 2 lần hợp đồng có thời hạn với viên chức
Khác với Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định khá chi tiết về hợp đồng làm việc của viên chức.
Theo đó, viên chức được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập phải ký hợp đồng làm việc lần đầu từ đủ 12 tháng – 36 tháng.
Sau khi hết thời hạn này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét quyết định ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.
Nếu ký tiếp hợp đồng xác định thời hạn thì sau khi hết hạn hợp đồng, người đứng đầu đơn vị phải xem xét ký tiếp hợp đồng không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức chỉ được ký tối đa 02 lần.